Có những món ăn sinh ra đã định là phải dung nhập nền ẩm thực của cả thế giới

Những món ăn chẳng giữ cho riêng mình, kẹp cái gì cũng ngon, bỏ cái gì vào cũng được, là đối tượng “collab” ưa chuộng nhất của làng ẩm thực toàn cầu.

Có thể nói, ẩm thực là một khía cạnh đặc thù riêng của từng dân tộc, là thứ có thể dùng để phân biệt lề thói, các đặc tính của một quốc gia, một địa phương. Ẩm thực có thể dùng để đoán định thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu của một vùng, ví như các món ăn từ dừa, xoài, chuối thường xuất hiện ở những nước nhiệt đới cận xích đạo. Những nước gần biển thì phổ biến hải sản, nước nào có văn hoá lúa nước lại chuộng chế phẩm từ gạo. Ngoài ra, ẩm thực còn gắn với nhiều điều như tập tục, tôn giáo (các nước theo đạo Hindu không được ăn thịt bò). Có thể thấy, ẩm thực là một phần tạo nên nét đặc trưng không nơi nào giống nơi nào của các dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những món ăn đặc trưng dân tộc khó mà tuỳ tiện thay đổi, cũng có những món ăn sinh ra đã định phải vượt qua tất thảy những rào cản này mà dung nhập nền ẩm thực toàn cầu. Đó là những món ăn nổi tiếng thế giới có thể dễ dàng được biến tấu, được kết hợp để tạo ra vô số những phiên bản của riêng mình tại nhiều khu vực khác nhau.

Pizza

Nếu bạn đã từng thấy pizza phở bò, pizza bún đậu mắm tôm… thì hẳn bạn sẽ ngờ ngợ hiểu ra rằng, đối với nhiều người thì cái gì cũng có thể “ném” vào pizza được. Chỉ từ món bánh pizza phô mai pepperoni truyền thống của người Ý, người ta tạo ra vô số biến tấu như pizza kiểu Hawaii với dứa, pizza hải sản, pizza với xúc xích Đức, pizza cá hồi, thậm chí có cả pizza… sashimi và pizza cà ri kiểu Ấn Độ. Dám nói, pizza đã vươn đến nhiều nước trên thế giới và mỗi nước bây giờ đều sẽ có một vài phiên bản riêng của mình dành cho món pizza Ý này. Và quả thật, pizza gần như không hề “kén” đối tác nên mới cho ra đời cả trăm, cả nghìn phiên bản như thế.

Pizza sashimi, pizza cà ri, pizza chả cá Lã Vọng, pizza Hawaii…

Bánh mì

Bánh mì baguette có xuất xứ từ Pháp, và là một món ăn phổ biến toàn cầu. Phàm là cái gì đã phổ biến rồi thì hiển nhiên sẽ có “tam sao thất bản”. Chẳng nói đâu xa, chỉ trong phạm vi nước Pháp thôi, bánh mì cũng có thể được ăn cùng nhiều món khác nhau, có cả trăm cách ăn khác nhau. Sang đến Việt Nam, bánh mì còn nổi tiếng đến mức trở thành một nhánh hoàn toàn riêng là “bánh mì Việt Nam”, bánh mì Việt Nam càng có nhiều loại từ bánh mì kẹp thịt, bánh mì pate, bánh mì xíu mại, bánh mì kẹp kem… hễ có món gì ăn thấy ngon là người ta lại nghĩ tới việc kẹp với bánh mì.

Bánh mì trên thế giới phổ biến đến mức có thể mua ở khắp mọi nơi, là món ăn vừa đơn giản vừa gần gũi. Nó có nhiều phương pháp ăn đến mức chỉ kể ra một vài cái tên thôi cũng khó khăn.

Sandwich

Sandwich có thể kẹp mứt và bơ, cũng có thể kẹp phô mai và thịt, cũng có thể kẹp cá, kẹp trái cây, kem tươi các loại. Sandwich là món ăn tiện lợi mà bất kì ai cũng có thể làm trong vòng chỉ từ 3-5 phút. Món bánh có xuất xứ từ Anh này có lịch sử cũng “hằm bà lằng” chẳng kém gì thân phận hiện tại của nó. Hồi thế kỷ 18, một công tước vùng Sandwich (đúng vậy, Sandwich thật ra là tên một vùng đất) vì quá đam mê cá cược và không muốn rời bàn chơi nên đã yêu cầu phục vụ mang ra món gì có cả thịt cả bánh mì bày cùng trên một đĩa, và thế là món sandwich thân thuộc với chúng ta ngày nay ra đời.

Các loại sandwich Nhật Bản được làm từ katsudon, kem tươi, trứng cuộn kiểu Nhật…

Sandwich gần như có thể kẹp mọi thứ, từ thịt, trứng, sữa cho đến các món ăn “hiện tượng idol” như trân châu đường đen hay trứng muối kim sa.

Cà ri

Cà ri có xuất xứ từ Ấn Độ nhưng lại có phiên bản riêng ở Anh Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam và nhiều nước khác. Ở Ấn Độ chỉ có cà ri gà, song ở nhiều nước khác, người ta lại có vô số các biến tấu cà ri khác từ hương vị cho đến nguyên liệu như cà ri hải sản, cà ri rau củ, cà ri nước cốt dừa, cà ri thịt bò, cà ri thịt dê… Cà ri ở những nước này được biến tấu sao cho phù hợp với thổ nhưỡng, với khẩu vị và tín ngưỡng. Ví dụ như ở Anh quốc phổ biến món cà ri thịt bò, bởi vì người nơi đây không theo đạo Hindu. Mặt khác, cà ri Việt Nam lại đặc biệt ở chỗ có thêm nước cốt dừa, do người Việt (nhất là người miền Nam) có thói quen dùng nước dừa tạo độ béo, độ ngọt trong nhiều món ăn như bánh tằm, bánh canh…

Các phiên bản cà ri trên nhiều nước được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau.

Crepe

Lúc mới xuất hiện ở Pháp, món bánh crepe chỉ đơn giản là một miếng bánh mỏng, được cuốn với bất kì món ăn gì tiện lợi nhất có trong nhà bếp như các loại trái cây, dâu dại, hay chỉ đơn giản là một ít mật ong, bơ hoặc mứt. Sau này, crepe càng ngày càng phổ biến, ở các nước châu Á, người ta có thể ăn nó với nhiều món khác như kem, ruốc, các món mặn. Vì bản chất của crepe là “ăn với bất kì thứ gì tiện trong tầm với”, nên khi sang những nước khác, nó cũng nhập gia tuỳ tục mà kết hợp với bất kì món gì mà người xứ đó yêu thích. Một trong những phiên bản nổi tiếng nhất của bánh crepe ở vùng châu Á là bánh crepe cuộn sầu riêng kem tươi và bánh crepe cuộn mứt xoài – hai loại quả vùng nhiệt đới.

Hai biến tấu là crepe trà xanh và crepe trái cây tươi nhiệt đới đều rất phổ biến ở các nước châu Á.

Bài viết khác

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *